Thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh là những yếu tố ngoại cảnh tác động lớn đến các khớp, nhất là khớp gối và cột sống. Biểu hiện đau là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, khi các
khớp đã bị thoái hóa thì đau càng rõ ràng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh.
Tuy nhiên, nếu thực hiện những chỉ dẫn dưới đây, người bệnh vẫn có những biện pháp để loại trừ chứng đau do thoái hóa khớp.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Nếu có dấu hiệu đau và hạn chế vận động ở khớp, cần phải đi khám bệnh để các bác sĩ đánh gía tình trạng bệnh và cho các điều trị thích hợp. Việc điều trị sẽ bao gồm:
|
Thoái hóa khớp |
Điều trị không dùng thuốc: tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đặc biệt sức khỏe xương khớp; vận động, tập luyện, làm việc vừa sức; ăn uống dinh dưỡng hợp lý; tránh dư cân, béo phì, tránh mang vác vật nặng, tránh tăng áp lực cho sụn khớp và đĩa đệm; phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tại hệ thống xương khớp.
Điều trị bằng thuốc: điều trị triệu chứng đau và viêm cho người bệnh bằng thuốc giảm đau và các thuốc kháng viêm; làm chậm quá trình thoái hóa bằng các thuốc có thể cải thiện được tiến triển của bệnh. Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp đã có nhiều tiến bộ với nhiều thuốc hữu hiệu: glucosamine sulfate dạng tinh thể, diacerein, acid hyaluronic… Các thuốc này đều cần được điều trị đủ liều theo hướng dẫn của các thầy thuốc.
Phẫu thuật: Trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa cần xem xét việc điều trị ngoại khoa kết hợp: mổ nội soi để cắt xương, loại bỏ dị vật, sửa trục khớp; mổ thay khớp nhân tạo khi khớp bị mất chức năng.
Các cách phòng ngừa thoái hóa khớp
Để đề phòng và hạn chế thoái hóa khớp, ngay khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh bị dư cân, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Điểm lại các nguyên nhân thường gặp, chúng ta thấy rõ thoái hóa khớp là bệnh có thể ngăn ngừa được.
Sau đây là các biện pháp được các nhà chuyên môn khuyến cáo:
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân béo phì.
- Tập vận động thường xuyên và vừa sức: luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Đó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương và giảm khả năng té ngã trong sinh hoạt và lao động.
- Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng: Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.
- Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng và tránh quá sức: khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân và nên tận dụng thêm sự hỗ trợ (của dụng cụ hay người khác).
- Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế: Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.
- Điều trị tích cực các bệnh lý xương khớp mắc phải.