Như vậy tê chân tay là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh song có khi là dấu hiệu tê sinh lý bình thường.
a, Tê chân tay sinh lý
Mạch máu và thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông. Nguyên nhân là do ngồi, đứng, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ, đứng ngồi xổm một chỗ với một tư thế quá lâu…
Tê chân tay cũng thường xảy ra do ảnh hưởng của thời tiết. Những người có sức đề kháng suy giảm thì khi gặp trời lạnh, gió mạnh sẽ khiến cho khí huyết ngưng trệ gây rối loạn cảm giác.
Cũng có thể tê chân tay là kết quả của tác dụng phụ khi dùng thuốc chứa một trong các thành phần: lithium, nitrofurantoin, cisplatin, hydralazine, amitriptyline, sulfonamides, amiodarone, dapsone, disulfiram, chlaramphenicol.
|
Tê tay |
b, Tê chân tay bệnh lý
Do bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì. Khi mắc phải các chứng bệnh này thì một trong các triệu chứng xảy ra là mất dần cảm giác ở các chi, khi bệnh càng nặng tê càng nhiều và có thể teo cơ.
Tê chân tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu sinh tố B1, B12, acid folic, calci, kali…Trường hợp này thường gặp ở người gầy yếu, thể lực suy kém, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em kém ăn.
Thần kinh ở ống cổ tay bị chèn ép, đau cột sống, viêm khớp…dẫn đến rối loạn, tê liệt dây thần kinh cảm giác.
Bệnh nhiễm độc thạch tín, thủy ngân và gây viêm thần kinh do uống rượu, sử dụng ma túy, nhiễm trùng mạn tính.
Tránh biến chứng xấu
Triệu chứng tê chân tay thường xuất hiện từ đầu ngón ở các chi với cảm giác tê rần như bị châm trích. Cảm giác tê tăng dần, lan dần bàn tay, cổ tay, cánh tay và tương tự ở chi dưới. Nếu là tê chân tay sinh lý… thì bạn nên vận động nhẹ nhàng chân tay, xoa bóp thư giãn các chi, vùng vẩy tay chân, đi lại xung quanh. Nên chú ý các thành phần của các loại thuốc mình đang dùng. Triệu chứng tê bì này kéo dài, thường xuyên xảy ra và tiến triển nặng hơn thì nên được khám để điều trị sớm các bệnh lý để tránh hiện tượng teo cơ, hậu bại dẫn tới liệt. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần được bổ sung đầy đủ vi khoáng chất như: đậu tương, đậu xanh, lạc vừng, rau diếp, lòng đỏ trứng…
Tê tay và hội chứng ống cổ tay.
Nhiều người thường có cảm giác tê bì, đau nhức hay cứng các ngón tay, đặc biệt là lúc mới ngủ dậy vào buổi sáng hoặc khi lái xe. Triệu chứng tê bàn tay này rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý về cơ xương khớp hoặc những bệnh về thần kinh như thiếu canxi, chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ...
Thực tế, phần lớn người bị chứng
tê tay là do hội chứng ống cổ tay. Hội chứng này là tình trạng dây thần kinh giữa đi trong ống cổ tay bị chèn ép tạo viêm sưng nề, gây tê các đầu ngón tay, nếu nặng có thể gây đau nhức bàn tay hoặc lan lên cánh tay. Hội chứng ống cổ tay là một dạng chấn thương thầm lặng liên quan nhiều đến công việc thường làm mỗi ngày. Có hơn hai triệu người Mỹ bị hội chứng này mỗi năm.
Còn ở Việt Nam, số người mắc bệnh này khá nhiều. Bệnh thường gặp ở phụ nữ (tiền kinh, mãn kinh, có thai hoặc sau sinh nở) và những người phải sử dụng động tác cổ tay và bàn tay nhiều trong công việc như băm thịt, nhân viên văn phòng, công nhân hay vặn tuốc-nơ-vít, khoan vật cứng, thợ may thêu, vận động viên thể thao...
Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương vùng cổ tay, sau gãy xương và bướu vùng cổ tay, bệnh lý thần kinh giữa..., nhưng phần lớn bệnh nhân lại không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng.
Để phòng tránh bệnh, chúng ta nên hạn chế sử dụng bàn tay liên tục trong thời gian dài cho các công việc: khoan rung, đánh máy vi tính, băm thịt... Bàn tay nên có thời gian nghỉ ngơi, tập những bài tập kéo căng thần kinh giữa như: khép, xòe các ngón tay, xoay bả vai…, hạn chế dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu...
Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được chữa trị sẽ diễn tiến đến biến chứng tê nhức cả cánh tay, rối loạn lưu thông máu và teo cơ bàn tay, thần kinh teo nhỏ với khả năng phục hồi rất thấp dù điều trị phẫu thuật.
Do đó, nếu có triệu chứng tê bàn tay, bạn nên đến ngay bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để được chẩn đoán và điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ khám test thần kinh, chẩn đoán chính xác bằng điện cơ (EMG) và loại trừ một số bệnh lý cột sống cổ gây chèn ép thần kinh làm tê tay tương tự.
Bệnh ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bằng thuốc đặc trị, đeo nẹp tay hỗ trợ, ngưng làm động tác có thể làm nặng triệu chứng và bài tập điều trị đặc biệt.
Bệnh ở giai đoạn muộn hơn hoặc qua một thời gian mà việc điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả thì phẫu thuật giải phóng dây thần kinh khỏi bị chèn ép là phương pháp điều trị tối ưu. Thao tác phẫu thuật này khá đơn giản mà hiệu quả, bệnh nhân không phải nằm lại bệnh viện và thời gian phục hồi nhanh.
Từ trước đến nay, phương pháp mổ mở cắt dây chằng ngang cổ tay giải ép thần kinh giữa vẫn được các phẫu thuật viên sử dụng rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy cũng đạt hiệu quả cao trong điều trị nhưng vẫn có nhược điểm là sẹo mổ dài từ 2 - 4cm, có thể đau sẹo sau mổ và xơ dính thần kinh.
Thời gian gần đây, kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị hội chứng ống cổ tay được các chuyên gia nội soi phẫu thuật bàn tay ứng dụng rộng rãi trên thế giới với ống soi và các dụng cụ chuyên dùng.
Phương pháp này chỉ để lại một vết rạch da nhỏ khoảng 0,6cm nơi cổ tay, ống soi đưa vào bên trong lòng ống cổ tay, quan sát trực tiếp thần kinh và dây chằng ngang cổ tay. Sau đó, lưỡi dao nhỏ chuyên dụng sẽ rạch dọc toàn bộ dây chằng ngang, giải phóng thần kinh.
Toàn bộ thời gian phẫu thuật không đến 10 phút, bệnh nhân đau rất ít sau mổ, có thể xuất viện trong ngày và trở lại tái khám từ 2-3 ngày sau mổ.
Phương pháp này để lại sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ và hạn chế được các biến chứng đau sẹo, xơ dính thần kinh sau này nên đã được ứng dụng tại Việt Nam hơn ba năm qua và cho kết quả rất tốt.
Sau phẫu thuật, việc tập phục hồi cũng không kém phần quan trọng nhằm tránh sẹo đau xơ dính, cứng khớp tắc nghẽn lưu thông máu bàn tay...
Bắt đầu từ ngày thứ ba sau phẫu thuật nội soi (hoặc ngày thứ tám sau mổ thường), bệnh nhân cần ngâm tay nước ấm năm phút mỗi ngày hai lần, đồng thời thường xuyên tập các bài tập nhẹ nhàng như: nắm thả bàn tay; bẻ căng cổ tay, ngón tay; khép, xòe các ngón tay; xoay bả vai…
Tóm lại, hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở phụ nữ, bác sĩ chuyên khoa dễ dàng chẩn đoán chính xác nhờ phương pháp đo điện cơ. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hữu hiệu nếu điều trị nội khoa bằng thuốc uống không hiệu quả.
Nếu chẩn đoán và điều trị muộn sẽ dẫn đến biến chứng tê nhức cả cánh tay, rối loạn lưu thông máu, teo cơ bàn tay và thần kinh teo nhỏ với khả năng phục hồi rất thấp dù điều trị phẫu thuật.
|
Tê tay |
Tê tay: Bệnh của nhân viên văn phòng
Những nhân viên văn phòng lớn tuổi dễ bị bệnh tê tay. Bệnh không nguy hiểm chết người nhưng gây khó chịu, đau đớn. Biểu hiện bệnh gần giống với vài bệnh khác nên cần đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán, điều trị.
Bạn có cảm thấy tê các ngón tay khi đi xe máy hoặc khi thức dậy buổi sáng hay không? Có khi nào bạn tê các ngón tay đến mức làm rơi đũa ăn hay không? Nếu câu trả lời là có thì bạn có khả năng mắc phải hội chứng ống cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Trong ống cổ tay, ngoài các gân cơ còn có thần kinh giữa nằm ngay dưới dây chằng vòng trước, dây thần kinh này rất dễ bị chèn ép bởi dây chằng vòng và gây ra hội chứng ống cổ tay.
Ở giai đoạn đầu, thần kinh bị thiếu máu nuôi cục bộ và luồng thần kinh sẽ bị cản trở. Còn ở giai đoạn sau, thần kinh bị teo lại, bao ngoài bị xơ hóa và luồng thần kinh sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn. Nguyên nhân khiến dây chằng vòng trước cổ tay gây chèn ép thần kinh giữa hiện tại vẫn chưa rõ vì trong phẫu thuật giải ép ống cổ tay, người ta không ghi nhận có sự thay đổi đáng kể nào về hình dáng và độ dày của nó.
Về giới tính, hội chứng ống cổ tay thường xảy ra nhiều ở nữ giới. Có một vài nghề nghiệp đặc biệt có thể tạo điều kiện xuất hiện hội chứng này. Đó là những nghề phải sử dụng các thao tác có áp lực trên mặt lòng bàn tay một cách liên tục hoặc định kỳ đều đặn như công nhân dùng búa máy, đẩy hàng nặng, thư ký đánh máy... Ngoài ra, hội chứng này cũng có thể xảy ra khi có gia tăng áp lực bất thường trong ống cổ tay như có khối u, gãy đầu dưới xương quay…
Dấu hiệu chủ yếu đầu tiên của bệnh này là tê tay, mức độ tê nhiều hay ít tùy theo mức độ chèn ép trên thần kinh giữa. Bệnh nhân bị giảm cảm giác ở mặt lòng các ngón tay cái, trỏ và giữa. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ bị tê một lúc vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc khi đẩy các vật nặng và chạy xe máy. Sau đó, bệnh nhân bị tê tay liên tục suốt ngày, có cảm giác kim châm nhè nhẹ ở đầu các ngón tay. Có khi buổi tối đang ngủ, người bệnh thấy tê tay đến mức phải thức dậy xoa bóp hay vẩy tay để bớt.
Chỉ cần nẹp tay hoặc tiểu phẫu
Rất nhiều người bị hội chứng này tin rằng mình bị tê thấp, phong thấp nên đã tự điều trị, có khi dùng cả các thuốc không rõ xuất xứ. Kết quả là bệnh tiến triển nặng, thần kinh bị teo và vùng cơ ở tay cũng bị teo, xơ hóa.
Hội chứng ống cổ tay thật ra rất dễ điều trị. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhẹ, bệnh nhân chỉ cần mang nẹp thẳng ở cổ tay vào ban đêm trong vòng hai tháng, uống thêm các thuốc sinh tố nhóm B, kháng viêm-giảm đau NSAIDs và Gabapentine. Ở giai đoạn nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Với bệnh mới mắc, bác sĩ chỉ cần mở ống cổ tay, cắt dây chằng ngang cổ tay và giải phóng thần kinh giữa là đủ. Nếu bệnh bị lâu, cơ gò ngón cái đã teo thì bác sĩ phải bóc tách và cắt bao ngoài dây thần kinh. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật không mất máu, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. Vết mổ ở mặt trước cổ tay sẽ tạo ra một vết sẹo nhỏ, khó thấy khi lành. Bệnh này nếu phát hiện và mổ sớm thì bệnh nhân phục hồi cảm giác khá nhanh nhưng nếu mổ sau khi có teo cơ gò cái thì sự phục hồi sẽ kém hơn nhiều.
Có một vài bệnh cũng gây ra vài dấu hiệu tương tự hội chứng ống cổ tay nên dễ bị nhầm lẫn như bệnh của dây thần kinh như viêm dây thần kinh trong bệnh lý tiểu đường, bệnh tuyến giáp… Các bệnh của cột sống cổ như bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, chèn ép sau chấn thương, khối u thần kinh… Do đó cần khám bệnh chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nghiên cứu về tác động của hội chứng ống cổ tay do Hội Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS: American Academy of Orthopedic Surgeon) thực hiện cho thấy có nhiều người Mỹ mắc bệnh này và họ cũng mong được điều trị một cách thích hợp. Việc không điều trị hay điều trị không đúng cách sẽ dẫn tới mất cảm giác tiến triển kéo dài và yếu liệt nhóm cơ ở vùng ô mô cái.
Các báo cáo về hội chứng ống cổ tay trong hồ sơ nghỉ việc, cũng như việc mất năng suất lao động và chi phí điều trị ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ thì chi phí cho việc điều trị và nghỉ việc của một công nhân trung bình khoảng 30.000 đôla.
Tối ngủ gối đầu lên tay, sáng hay bị tê tay là bị hội chứng ống cổ tay?
Sai. Khi tay để lâu ở một tư thế cố định, tuần hoàn máu vùng bàn tay bị ứ trệ gây cảm giác tê chứ không phải hội chứng ống cổ tay. Có một vài bệnh cũng gây ra vài dấu hiệu tương tự hội chứng này nên dễ bị nhầm lẫn như viêm dây thần kinh trong bệnh lý tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, chèn ép sau chấn thương, khối u thần kinh…
Hội chứng này có triệu chứng tê từ bàn tay lên đến vùng vai?
Sai. Đó có thể là bệnh lý rễ thần kinh cổ. Một số trường hợp bị thoái hóa cột sống cổ dẫn đến bệnh lý thoát vị đĩa đệm cổ hay chồi xương ở những vùng lỗ thoát của dây thần kinh cũng có triệu chứng như vậy.
Một số bà bầu cũng bị tê tay, triệu chứng này chủ yếu liên quan đến thai nhi?
Đúng. Khi có thai, người mẹ dành nhiều canxi cho em bé nên cơ thể mẹ bị thiếu canxi dẫn đến tê tay. Tốt nhất cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân.
Phụ nữ dễ mắc bệnh tê tay hơn đàn ông
Mỗi tuần tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM đều tiếp nhận hàng chục trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay (tay tê). Triệu chứng tiêu biểu của bệnh này là bàn tay bị tê. Nữ nhiều hơn nam gấp 3 - 4 lần...
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, 52 tuổi, ngụ tại đường Lương Chí Vinh, quận Tân Phú là một thợ tiện ốc-vít honda. Cách đây 6 năm, chị bắt đầu bị chứng tê tay.
"Càng ngày, tôi càng bị tê tay. Chạy xe máy, vừa cầm tay lái, tê tay. Cầm nắm vật gì cũng bị tê. Vật càng nhỏ như cây kim càng làm tay tôi bị tê. Đặc biệt, ban đêm khi ngủ tay tê buốt dữ dội. Có khi bàn tay của tôi không thể co nắm lại được," chị Vân kể lại.
Chị đã uống thuốc nam, châm cứu rất nhiều năm, nhưng không hết và bây giờ cả bàn tay trái của chị cũng bắt đầu bị tê.
Chị đã đến khám tại khoa Nội Thần kinh BV Nhân dân Gia Định. Tại đây, sau khi đo điện cơ, các bác sĩ chẩn đoán chị bị "hội chứng ống cổ tay" cả hai bên. Các rễ thần kinh cổ tay dưới bị chèn ép khiến tay chị Vân bị tê.
Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) có nghĩa là thần kinh giữa của cổ tay bị chèn trong một đường ống, mà đường ống ấy phía trên là dây chằng phía dưới là khối xương.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Công, trước đây, người ta tưởng là hội chứng này ít có ở Việt Nam. Thế nhưng từ đầu những năm 1990, khi bắt đầu ứng dụng phương pháp điện cơ tại TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ nội thần kinh đã phát hiện nhiều người bị hội chứng này. Họ đã nghiên cứu và xây dựng bảng tiêu chuẩn chẩn đóan hội chứng ống cổ tay bằng điện cơ cho người Việt Nam vào năm 1997.
Ước tính, hàng tuần, trung bình khoa Nội thần kinh BV Nhân dân Gia Định, 10 - 15 ca hội chứng ống cổ tay được phát hiện. Trong khi đó tại các phòng khám chuyên khoa của BV 115 hay BV ĐH Y Dược TP.HCM, mỗi tuần có thể lên đến hàng chục ca. Trong đó phụ nữ nhiều gấp 3 - 4 lần nam giới.
"Phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ở tuổi trung niên, dễ mắc bệnh này là do cổ tay nhỏ hẹp, hay làm những động tác khéo léo ở cổ tay như việc nội trợ, dễ bị thoái hoá khớp hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh," BS Công giải thích.
Triệu chứng ban đầu của hội chứng này là tê tay, nhất là khi đi xe máy. Nặng hơn, bệnh nhân có thể tỉnh giấc vào ban đêm vì tay bị tê và đau.
Nếu bị tê tay như vậy, bệnh nhân nên tới khám bác sỹ chuyên khoa thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán xác định bệnh bằng phương pháp điện cơ.
Hiện nay phương pháp này thực hiện dễ dàng tại các bệnh viện lớn trong TP.HCM. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ bị teo cơ vùng ô mô ngón cái (người miền nam gọi là “trái chanh”). Khi ấy ngoài chuyện tê nhức khó chịu, bàn tay còn bị yếu đi và khó thực hiện các động tác đòi hỏi khéo léo.
Phương pháp điều trị rất đơn giản đầu tiên là dùng thuốc, thường là thuốc kháng viêm, chích hoặc uống. Nếu không đỡ, bác sĩ sẽ chích corticoide vào khu vực ống cổ tay.
Phương pháp điều trị cuối cùng là mổ. Đây là một phẫu thuật nhỏ, dễ làm, nhưng đòi hỏi bác sỹ phẫu thuật tương đối khéo léo một chút.
Nguồn phununet.com