Tuổi đời càng chồng chất, tất yếu dẫn đến quá trình lão hóa. Hệ thần kinh là nơi hoạt động chủ yếu của trí nhớ cũng thế, sau thời gian dài hoạt động sẽ bị lão hóa ở nhiều mặt.
Trước hết là khối lượng não bị giảm. Người ta ghi nhận khối lượng não lớn nhất vào lúc 30 tuổi và giảm dần khi tuổi càng cao, nhất là sau 65 tuổi.
Giảm sút trí nhớ
Khối lượng não của người lớn tuổi bị giảm là do số lượng tế bào não ngày càng ít cũng như mỗi tế bào có thể teo đi. Tuy nhiên, sự thay đổi hình thái của não, sự giảm tế bào thần kinh không quan trọng bằng sự biến đổi về chuyển hóa. Trong quá trình lão hóa ở người lớn tuổi, lượng máu đến nuôi não có giảm đưa đến sự giảm tiêu thụ oxy và chất dinh dưỡng, hậu quả tất nhiên là giảm sự tổng hợp các chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh rất cần cho hoạt động của não. Chính sự biến đổi về hình thái và sự giảm chức năng của hệ thần kinh làm khả năng ghi nhớ của người lớn tuổi ngày càng giảm.
Tuổi đời chúng ta càng cao càng có nguy cơ xảy ra bệnh tật đối với hệ thần kinh, đưa đến những hội chứng thần kinh - tâm thần. Trong trường hợp có sự nghi ngờ về các hội chứng này, các vị cao tuổi nên đến bác sĩ chuyên khoa để tiến hành thăm khám thần kinh một cách hệ thống và để được chữa trị thích hợp (người lớn tuổi có nguy cơ bị bệnh sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer rất cần được phát hiện để chữa trị sớm).
Làm sao hạn chế?
Có quan niệm sai lầm cho rằng người lớn tuổi càng bất động càng tốt. Thật ra chính sự thiếu vận động, thiếu rèn luyện thân thể đưa đến những rối loạn, kể cả rối loạn trong hoạt động của hệ thần kinh. Vì vậy, người lớn tuổi cần có chế độ rèn luyện thân thể với những động tác vừa sức như đi bộ, tập dưỡng sinh, thậm chí có vị lớn tuổi vẫn thường xuyên bơi lội. Chính sự vận động cơ thể đúng đắn sẽ điều hòa,
tăng cường hoạt động tế bào thần kinh não. Về hoạt động của trí não, người lớn tuổi có thể tiếp tục làm những việc mà trước đây vẫn làm, nhưng cần chấp hành đúng chế độ làm việc luân phiên với nghỉ ngơi, giải trí. Tức là không nên làm việc trí óc liên tục 2-3 giờ liền, mà trong khoảng thời gian ấy cần có những lúc thư giãn hoặc làm công việc khác, vừa vận động cơ thể nhẹ nhàng vừa hít thở không khí để tư duy và trí nhớ được nghỉ ngơi (thí dụ như tưới cây, chăm sóc hoa cảnh hoặc bách bộ).
Một điều quan trọng là phải biết cách bảo vệ và trau dồi trí nhớ. Thay vì phải để “bộ nhớ” của não ghi nhớ tất cả, ta có thể giảm bớt công việc của nó bằng cách ghi vào sổ tay, lịch để bàn những điều ghi nhớ để khi cần chỉ xem là nhớ lại.
Để
bảo vệ tế bào thần kinh não, đồng thời bảo vệ sức khỏe nói chung, người lớn tuổi rất cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Không ăn uống quá kiêng khem cũng như không ăn uống quá thừa năng lượng. Nên hạn chế ăn đồ ngọt như kẹo, đường, hạn chế dùng chất béo dạng mỡ động vật mà nên thay thế bổ sung bằng dầu thực vật. Chú ý ăn nhiều rau cải tươi, trái cây tươi. Đặc biệt khẩu phần ăn hằng ngày phải có đủ đạm (thịt, cá, trứng, sữa hoặc các loại đậu) vì nếu thiếu chất đạm, cơ thể không đủ nguyên liệu để tái tạo các chất cần cho hoạt động thần kinh. Cơ thể người lớn cần vitamin và khoáng chất nhưng khả năng hấp thu của hệ tiêu hóa sút giảm. Vì vậy, hằng ngày có thể dùng thêm thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất loại đa sinh tố theo chỉ định.
Riêng người thân, rất cần trao đổi, thảo luận nhiều với người lớn tuổi bởi chính sự trao đổi bàn bạc nhiều lần là cách tăng cường trí nhớ. Điều cuối cùng là người thân cần lưu ý ngăn ngừa hậu quả có thể xảy ra do sự sút giảm trí nhớ ở người lớn tuổi. Thí dụ như trên phương diện dùng thuốc, nếu thấy trí nhớ người lớn tuổi không đảm bảo thì không nên cho tự sử dụng thuốc. Đã không hiếm trường hợp người lớn tuổi sử dụng sai thuốc bị tai biến do uống thuốc quá liều.