Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể.
Suy dinh dưỡng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ?
Suy dinh dưỡng làm thể trạng của trẻ yếu đi, do đó dễ dẫn đến các bệnh lý về đường tiêu hóa và ngược lại, các rối loạn về hô hấp, tiêu chảy cũng làm trẻ suy kiệt.
Một điều hiển nhiên, khi trẻ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn đang phát triển, trẻ dễ bị chậm phát triển về thể chất và cả não bộ.
Báo cáo năm 2000 cho thấy có khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam. Và theo Tổ chức Y tế Thế giới, dù suy dinh dưỡng chỉ ở mức vừa và nhẹ nhưng cũng liên quan đến 54% trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.
Làm cách nào để biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không?
Cách đơn giản nhất để đánh giá khả năng suy
dinh dưỡng của trẻ là theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên. Nếu trẻ đứng cân liên tục 3 tháng thì được xem là có nguy cơ suy
dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe của trẻ, cần đánh giá cân nặng, chiều cao theo tuổi của trẻ và chỉ số cân nặng theo chiều cao (BMI) theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới áp dụng riêng đối với các nước đang phát triển
Tại sao trẻ bị suy dinh dưỡng?
Nguyên nhân suy dinh dưỡng được biết đến phổ biến nhất là nguồn thực phẩm cung cấp không đủ so với nhu cầu đang tuổi lớn, cần nhiều dưỡng chất của trẻ. Thực tế, nếu lượng thức ăn là đủ, nhưng cách bố trí khẩu phần có năng lượng thấp, hay chế biến thức ăn làm biến tính một số thành phần quan trọng cũng là một nguyên nhân gây thiếu chất ở trẻ.
Bệnh kéo dài ở trẻ, nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy hay một số bệnh lý bẩm sinh có thể làm giảm sự hấp thu chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Do đó, cần rà soát tất cả các nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và ngăn ngừa sớm nhất có thể để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cần làm gì để phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ?
Sữa mẹ luôn là loại thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ vì không những cung cấp chất dinh dưỡng với các thành phần thiết yếu mà còn mang đến cho trẻ một hàng rào miễn dịch tự nhiên tuyệt vời. Do đó, các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài 18-24 tháng.
Không được đặt lên hàng đầu ở các thành phố lớn nhưng việc cung cấp đầy đủ thực phẩm cho trẻ, đặc biệt là đủ dưỡng chất yêu cầu và hợp lý, vẫn còn là vấn đề nổi cộm ở các vùng ngoại thành, nông thôn.
Vệ sinh an toàn thực phẩm không bao giờ là mối quan tâm thừa, đáng được đặt lên hàng đầu để tránh các bệnh về đường ruột cho trẻ, dễ ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng và thể trạng bình thường của cơ thể.