Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống - Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện (BV) Việt Đức dưới sự chuyển giao, giúp đỡ của các chuyên gia Pháp đã thực hiện thành công kỹ thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng cho một bệnh nhân (BN) bị thoát vị đĩa đệm, đau lưng mạn tính không có khả năng phục hồi. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam.
Xem thêm:
Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì
Cách chữa bệnh thoát vị đĩa đệm
Chữa thoát vị đĩa đệm
Dia dem
Thoát vị đĩa đệm là gì
Đau lưng đến không thể đi lại được
Chị Trần Thị C., 38 tuổi (Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị đau lưng đã nhiều năm nay. Năm 2007, chị đã mổ thoát vị đĩa đệm (tại một BV khác) nhưng sau đó tình trạng đau lưng vẫn không đỡ, thậm chí ngày một nhiều hơn. Đau lan rồi tê chân trái khiến chị không thể đi lại được. Khi đến khám tại BV Việt Đức, chị được các bác sĩ chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm L4, L5 trái, phải mổ ngay nếu không sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ xấu. Chị C. đã được chỉ định mổ thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc BV, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống cho biết: Đau lưng là một bệnh lý phổ biến, xảy ra ở khoảng 30% dân số, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm. Ngoài nguyên nhân thoái hóa tự nhiên, do tai nạn; thoát vị đĩa đệm còn xảy ra do tư thế ngồi, tư thế lao động, mang vác vật nặng sai cách...
Đĩa đệm nằm giữa mỗi cặp đốt sống. Nó giống như một lớp đệm bao bọc bởi một vỏ bọc dày và có chức năng như là lớp hấp thụ lực xóc, phần trung tâm thì xốp. Do hao mòn trong nhiều năm, đĩa đệm thoái hóa và thoát vị ngược vào trong ống tủy sống, chèn ép dây thần kinh và tạo áp lực lên bề mặt các khớp liền nhau. Thoái hóa cũng làm gai xương phát triển. Khi những gai này đâm vào trong ống cột sống, chúng có thể chèn ép các dây thần kinh. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây đau vùng thắt lưng: cảm giác đau tăng khi nằm nghiêng, ho, đại tiện. Đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân. Đặc biệt bệnh nhân (BN) sẽ bị hạn chế cử động cột sống, không còn khả năng cúi, ưỡn của thắt lưng. Trường hợp nặng có thể bị liệt. Điển hình như trường hợp của BN C., bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng nếu không được mổ sớm, có thể dẫn tới liệt chân trái, thậm chí rối loạn cơ tròn (BN sẽ không đại, tiểu tiện được).
Chất dịch trong đĩa đệm thoát ra ngoài chèn ép lên rễ thần kinh.
Phương pháp mới và những ưu điểm vượt trội
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, trước đây với những trường hợp phải mổ thoát vị đĩa đệm, phương pháp kinh điển thường là lấy đĩa đệm, đặt cage, cố định cột sống hàn xương liên thân đốt. Tuy nhiên, đây là một phương pháp mổ lớn, làm cứng hoàn toàn một đoạn cột sống, do vậy sẽ làm hạn chế vận động của BN sau mổ, thời gian hồi phục lâu, thậm chí hình thành khớp giả nếu không liền xương. Phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn chức năng vận động của cột sống do đĩa đệm nhân tạo được thiết kế gần giống như đĩa đệm thật của con người. Nhờ vậy, sau mổ BN vẫn cử động vùng thắt lưng bình thường mà không bị cứng, hạn chế. Hơn thế nữa, do đĩa đệm nhân tạo có chức năng sinh lý như đĩa đệm thật nên nó sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương các đĩa đệm liền kề khi so sánh với phương pháp làm cứng cột sống kinh điển. Đặc biệt, nó cũng giúp mở rộng vùng không gian xung quanh các rễ thần kinh cột sống nơi chúng đi qua các lỗ thần kinh và bảo vệ cột sống trong các hoạt động tác động mạnh lên cột sống, chẳng hạn như chạy, nhảy và nâng tạ. Vì vậy, phương pháp mới không những giúp BN thoát khỏi tình trạng đau đớn mà còn duy trì được cử động và tính mềm dẻo của cột sống, giúp BN trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ một đường nhỏ trước bụng, tiếp cận vào mặt trước của đĩa đệm cột sống thắt lưng, lấy bỏ toàn bộ đĩa đệm thoái hóa, sau đó đưa đĩa đệm nhân tạo vào. PGS. Thạch cho biết thêm: BN C. đã có đường mổ thoát vị đĩa đệm cũ phía sau lưng, lần này mổ thay đĩa đệm đường trước bụng sẽ tránh cho BN đường mổ cũ, tránh các biến chứng do dính. Thời gian 1 ca phẫu thuật trung bình khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Sau mổ BN tỉnh táo, vết mổ khô, dẫn lưu không ra máu, đỡ tê chân. Khoảng 3 ngày sau, BN có thể ngồi dậy, tập đi lại bình thường.
Mai Linh
Nguồn suckhoedoisong.vn